Hàng năm có rất nhiều ca trẻ em nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Thời tiết nắng nóng kéo dài là thời điểm dịch bệnh phát tán nhiều nhất .Sau đây là 1 số thông tin hưu ích giúp bậc cha mẹ phòng tránh và xử trí khi trẻ bị tiêu chảy cấp:
1. Tiêu chảy cấp là gì?
Tiêu chảy cấp là đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần trong ngày (24 giờ) và tính chất phân thay đổi như đi phân loãng, nhiều nước.
Nguyên nhân:
Tiêu chảy cấp thường do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh tiêu chảy cấp.
2. Biểu hiện:
Chứng tiêu chảy: Đây hiển nhiên là triệu chứng khi trẻ bị tiêu chảy cấp với đặc điểm phân lỏng, nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày có thể từ 10 – 15 lần/ ngày, mùi chua, phân có thể nhầy nhầy, trường hợp bị lỵ phân sẽ có nước lẫn máu.
Buồn nôn và nôn ói: Thường xuyên xuất hiên đầu tiên trong trường hợp do Rota hoặc do tụ cầu, nôn liên tục hoặc vài lần một ngày, điều này sẽ khiến cho cơ thể của trẻ bị mất nước, H + và clo.
Ăn kém và biếng ăn: Có thể xuất hiện sớm hoặc khi trẻ tiêu chảy nhiều ngày, trẻ thường từ chối các thức ăn thông thường, có thể chỉ thích uống nước (tùy vào từng mức độ của bệnh).
Mất nước: Khi trẻ nôn nhiều hoặc tiêu chảy có thể dẫn tới tình trạng mất nước và chất điện giải
Tinh thần: Trẻ có biểu hiện vật vã, kích thích quấy khóc. Trẻ mệt lả, li bì hôn mê nếu tình trạng mất nước nặng hoặc sốt do giảm khối lượng tuần hoàn.
Khát nước: Tùy vào mức độ tiêu chảy mà có những biểu hiện khác nhau.
3. Cách xử lí khi trẻ bị tiêu chảy cấp
Khi trẻ có dấu hiệu bị nhẹ cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất của cơ thể: bằng dung dịch ORS, nước đun sôi để nguội hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như nước cháo muối, nước gạo rang, nước cà rốt + muối, nước chuối, hồng xiêm…
Cho trẻ ăn nhiều hơn, nếu ăn ít hoặc bỏ ăn trẻ sẽ bị sút cân, yếu đi kèm theo chức năng phục hồi đường ruột cũng tiến triển chậm theo.
Các thực phẩm không nên dùng khi bị tiêu chảy:
- Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn có chứa nhiều đường.
- Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.
Trường hợp trẻ mất nước nặng: trẻ vật vã kích thích hoặc li bì, uống nước bị nôn, đi tiểu ít, khóc không ra nước mắt, da nhăn nheo, mắt trũng, môi khô phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để truyền dịch.
4. Phòng bệnh
Song song với công tác điều trị và chăm sóc tốt cho trẻ em bị tiêu chảy là công tác giáo dục sức khoẻ, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh.
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ
- Nuôi con bằng sữa mẹ.
- Thực hiện ăn chin uống sôi, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng đồ ăn để lâu ngày.
- Sử dụng nguồn nước sạch để nấu ăn và sinh hoạt, tránh xa những nguồn nước bẩn, nguồn nước bị ô nhiễm.
- Tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước và sau khi ăn
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh
- Cần có nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi
- Cho trẻ tránh xa khu vực có dịch hoặc người đang mắc bệnh tiêu chảy cấp
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ 7 bệnh thường gặp, tiêm đúng lịch.
Ds. Nguyễn Thị Phượng sưu tầm