Tiết trời nóng bức làm mồ hôi tiết ra nhiều, bụi bẩn bám vào da chúng ta với rất nhiều vi sinh vật gây bệnh nên mùa hè thường là mùa hay bị các bệnh về da. Các bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè với những biểu hiện ngứa, lở loét khó chịu tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tinh thần và thẩm mỹ của người bệnh.
Những bệnh ngoài da thường gặp vào mùa hè như là: Viêm nang lông, mụn nhọt, rôm sảy, nấm da, viêm da…Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về triệu chứng những bệnh ngoài da trên và cách điều trị thông qua bài viết sau nha!
1. Bệnh tuyến mồ hôi
Mồ hôi tiết ra nhiều còn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm tuyến mồ hôi, đặc biệt ở trẻ nhỏ với các biểu hiện mụn nước, sẩn li ti, đỏ da ở vùng có nhiều tuyến mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ.
Người bệnh thường ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra mồ hôi. Điều trị viêm tuyến mồ hôi có thể dùng hồ nước bôi ngày 2 – 3 lần, kem có chất kháng khuẩn và corticoid nhẹ như fucidin H bôi ngày 1 – 2 lần. Đối với trẻ em thì có thể tắm cho trẻ bằng các dung dịch tắm dành cho em bé như lactacid, cetaphil… mặc đồ mát, thoáng, dễ thấm mồ hôi bằng vải cotton giúp da khô thoáng.
2. Viêm nang lông
Bệnh có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông như viêm chân tóc. Khi nang lông bị áp-xe tức đã biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm hoặc viêm mô dưới da.
Để phòng ngừa, bạn cần tắm rửa sạch sẽ, thường xuyên thay quần áo, đảm bảo cho làn da luôn khô và sạch sẽ. Ngoài ra bạn có thể dùng các loại thuốc sát khuẩn, chống khuẩn. Điều trị với các trường hợp nhẹ thường chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ như dung dịch màu sát khuẩn: castellani, milian, mỡ kháng sinh như fucidin, bactroban, fusidic acid… Trường hợp nặng có thể phải dùng kháng sinh bằng đường uống như cephalosporin thế hệ I, II, oxacillin, cloxacillin…
3. Nhiễm nấm
Mùa hè da thường dễ bị nhiễm một số dạng nấm sợi do mồ hôi ra nhiều, mặc đồ ẩm ướt. Các bệnh nhiễm nấm da thường gặp là lang ben, nấm kẽ chân, nấm bẹn. Điều trị nấm sử dụng thuốc toàn thân và thuốc bôi tại chỗ. Thuốc chống nấm đường uống có các loại như: itraconazole, ketoconazole, fluconazol, griseofulvin…; thuốc bôi có các loại như: ketoconazol, terbinafine, miconazol…
4. Viêm da tiếp xúc do côn trùng và viêm da dị ứng
Về mùa hè, da tiếp xúc với côn trùng hoặc bị côn trùng đốt thường dẫn đến viêm da tiếp xúc kích ứng. Khi bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng, da thường bị đỏ, ngứa, sau đó có thể xuất hiện một số mụn nước, mụn mủ nhỏ tại vùng da tiếp xúc. Điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng thường dùng các loại kem kết hợp corticoid và kháng sinh như fucidin H, flucicort. Khi bị côn trùng đốt, da sẽ đỏ, sưng phù và ngứa nhiều. Điều trị dùng thuốc kem, mỡ corticoid nhẹ và vừa như hydrocortisone, betamethasone. Đối với trẻ em nên sử dụng kem bôi dành riêng cho trẻ.
5. Viêm da tiếp xúc do ánh nắng
Bệnh có liên quan đến dị ứng với ánh nắng mặt trời, thường gặp trên những người có cơ địa dị ứng. Biểu hiện của bệnh là sau khi đi nắng, da nổi mẩn đỏ, sần sùi, càng gãi, chỗ mẩn lại càng lan rộng. Vị trí hay gặp nhất là vùng da hở ở cổ, tay, chân.
Điều trị các bệnh này chủ yếu là tránh nắng như đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, kính râm, mặc đồ dài, kín, hoặc tránh nắng bằng các loại kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên.
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn phòng tránh và có cách điều trị những bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè này.
Ds. Nguyễn Thị Phượng sưu tầm
Bột sủi thanh nhiệt giải độc gan Themaz - Thổi bay cơn khát, giảm nóng trong người, khô phục sinh lực sau cuộc nhậu